Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

“Xanh hóa” bãi rác Đông Thạnh bằng công nghệ cao

Vườn mai, hoa kiểng được trồng tại bãi rác Đông Thạnh.

Cách đây khoảng 10 năm, nhắc tới bãi rác Đông Thạnh, người ta nghĩ tới ô nhiễm môi trường, là mùi hôi, là sự than phiền của người dân sống xung quanh bãi rác... Thế nhưng giờ đây, một màu xanh ngút ngàn đang phủ xanh bãi rác Đông Thạnh, khiến bất kỳ ai có dịp ghé thăm cũng phải ngỡ ngàng…

Công nghệ cao Israel làm… xanh bãi rác

Không phải ngẫu nhiên, vào tháng 8.2016 vừa qua, đơn vị được UBND TP HCM giao quản lý bãi rác Đông Thạnh đã tổ chức một buổi gặp gỡ, tham quan bãi rác Đông Thạnh cho chính quyền, người dân và cơ quan  báo chí. Thật vậy, tận mắt mục sở thị, hàng trăm đại biểu, khách tham quan đã không khỏi nhạc nhiên trước mô hình trồng dưa lưới khép kín, mô hình trồng ổi sạch, mãng cầu; cách trồng hoa kiểng, hoa lan… trên nền đất trước đây từng là bãi chứa rác hôi hám… Không ai không thán phục khi tận mắt thấy 1.000 cây ổi cho năng suất 150 kg/ngày; vườn lan  cắt cành với 2.000 gốc và vườn mai 2.500 cây tươi tốt, tỏa sắc xanh trong một không gian hết sức trong trẻo, thoáng đãng…

Đặc biệt ấn tượng là khu vực trồng dưa lưới tại bãi rác Đông Thạnh đã cuốn hút hầu hết mọi người. Với 12.000m2 nhà kính, vườn dưa lưới tại đây cho năng suất 21 tấn/tháng. Trước năm 2002, bãi rác Đông Thạnh là địa điểm chôn lấp rác của toàn TPHCM, với công suất chôn lấp tới hơn 10 triệu tấn rác... Từ năm 2002 trở lại đây, chính quyền TPHCM quyết định đóng cửa bãi rác Đông Thạnh, do ô nhiễm môi trường và sự than phiền của người dân. Đầu năm 2003, UBND TP HCM mới giao công trường xử lý rác Đông Thạnh (diện tích 40,4ha) cho Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị  (MTĐT) TPHCM quản lý và tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.

Trong quá trình khắc phục ô nhiễm môi trường, Công ty MTĐT đưa công nghệ cao từ Israel về áp dụng, xem như giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường cho bãi rác Đông Thạnh. Giải pháp công nghệ cao đã “xanh hóa” bãi rác thành khu vực sinh thái điển hình của TPHCM. Điều đặc biệt là không chỉ “xanh hóa” – tận dụng nền bãi rác cũ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Công ty MTĐT còn xây dựng - vận hành thành công một nhà máy xử lý chất thải y tế, công nghiệp nguy hại ngay trên nền đất bãi rác Đông Thạnh (tổng vốn đầu tư 95,2 tỷ đồng), mà vẫn bảo đảm an toàn, không ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Của – người dân xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM cho biết: “Giờ nói bãi rác Đông Thạnh vậy thôi chứ đâu còn bãi rác nữa. Mấy năm trở lại đây, nhờ Công ty MTĐT mà tình hình ô nhiễm môi trường ở khu vực chúng tôi sinh sống đỡ hơn rất nhiều. Không còn mùi hôi nữa; trái lại, nhờ có giải pháp trồng dưa lưới, trồng cây ăn quả, trồng hoa kiểng trên bãi chứa rác năm xưa mà cảnh trí, môi trường nơi đây cải thiện rõ rệt. Hiệu quả thấy rõ, vừa không ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe người dân, vừa mang lại giá trị kinh tế”.

Thật vậy, bất kỳ ai tới bãi rác Đông Thạnh, giờ đây sẽ thấy một màu xanh ngút ngàn của cây trái, hoa lá… Là những nhà kính, hệ thống tưới nước hiện đại khép kín, với những dàn dưa nặng trĩu quả… Dọc theo các con đường trong khu vực trồng vô số cây cảnh xanh mát… Theo một công nhân chăm sóc dưa lưới ở khu nhà kính: “Toàn bộ dưa được trồng thủy canh, hệ thống tắm tưới, chất dinh dưỡng nuôi cây… tất cả đều theo công nghệ của Israel và được Công ty MTĐT cùng  Công ty TNHH Nông Phát trồng trên tổng diện tích 15.000m2. Mỗi nhà kính sẽ cho 7 tấn/vụ, cứ 60 - 70 ngày thì thu hoạch một vụ. Toàn bộ sản lượng đều cung cấp cho hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố với giá dao động từ 40.000 - 50.000đ/kg”.

Trong lúc đó, anh Cao Văn Tuấn – Trưởng phòng  kiểm tra chất lượng, phụ trách truyền thông  Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM cho biết: “Để có được 6 nhà kính trồng dưa lưới cho năng suất cao như thế, phải kể đến nỗ lực lớn của tập thể công nhân và cán bộ công ty. Bởi từ sau năm 2002, Công ty MTĐT được UBND TP HCM giao nhiệm vụ xử lý môi trường và cải tạo khu xử lý rác Đông Thạnh. Lúc mới tiếp nhận bãi rác, ở đây toàn rác và rác, nhiều nơi rác chất cao như núi và phải mất gần 5 năm, chúng tôi mới phủ đất xong toàn bộ bãi rác, có nơi độ phủ đất dày đến 2m. Từ ý định dùng cây cỏ tự nhiên để xanh hóa đồi rác, chúng tôi nảy ra ý tưởng dùng cây kiểng, hoa lan, cây ăn trái… để phủ dần, vừa đẹp mắt lại cho thu nhập cao”.

Minh bạch trước dân và để nhân dân giám sát bãi rác

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ khắc phục hiện tượng ô nhiễm bãi rác Đông Thạnh do lịch sử để lại, lãnh đạo Công ty MTĐT còn mạnh dạn… dân chủ cơ sở, khi đề nghị thành lập Tổ giám sát nhân dân. Theo đó, UBND huyện Hóc Môn và UBND xã Đông Thạnh đã thành lập Tổ Giám sát nhân dân liên quan đến những phản ánh khác nhau về tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực bãi chôn lấp rác Đông Thạnh. Mọi vấn đề như “xanh hóa” bãi rác, việc di dời nhà máy xử lý chất thải y tế - công nghiệp, người dân Đông Thạnh và công nhân ở bãi rác sẽ cùng nhau giám sát, hành động nhằm từng bước trả lại màu xanh, giảm thiểu ô nhiễm cho khu vực bãi rác Đông Thạnh.

Gần đây, trước tình trạng có thông tin phản ánh về nguồn nước tại khu vực bãi rác có vấn đề, với việc Tổ Giám sát nhân dân được hình thành, thì vụ việc trên đã được minh bạch trước nhân dân. Theo Sở Y tế TP HCM, kết quả thực hiện công tác khám sức khỏe cho 1.250 người dân tại hai xã Đông Thạnh và Nhị Bình thuộc huyện Hóc Môn cho thấy: 10 bệnh nhân thường gặp trong đợt khám này là các bệnh mãn tính không lây, thường gặp ở người cao tuổi như viêm khớp, viêm đa khớp, tăng huyết áp, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ,... và  tương đồng với mô hình bệnh tật chung của người dân đến khám và điều trị tại Bệnh viện huyện Hóc Môn trong thời gian qua. Về vấn đề ung thư, theo kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân chết và mắc mới tại khu vực chung quanh khu xử lý rác từ năm 2010 đến nay thấp hơn số liệu trung bình đã thống kê được của Bệnh viện Ung bướu TPHCM và Cơ quan ghi nhận ung thư quốc tế (GLOBOCAN).

Như vậy, qua các kết quả khám sàng lọc sức khỏe cho người dân tại khu vực bãi rác Đông Thạnh đã cho thấy một điều, mức độ ô nhiễm môi trường không ảnh hưởng tới sức khỏe người dân trong khu vực, như đồn đại trong thời gian vừa qua. Những thông tin trên đã được minh bạch trước nhân dân, đã góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, ổn định trật tự xã hội và giúp doanh nghiệp có thêm động lực để “xanh hóa” bãi rác Đông Thạnh bằng công nghệ cao.

“Xanh hóa” bãi rác Đông Thạnh bằng công nghệ cao ảnh 1
Vườn dưa lưới tại khu nhà kín, được trồng theo công nghệ cao xuất xứ từ Israel.
Source : laodong[dot]com[dot]vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét