Dấu hiệu cảnh báo chấn thương vai
Nếu bạn đang bị đau ở vai, hãy tự hỏi những câu sau:
- Vai của bạn có cứng không?
- Bạn có thể quay cánh tay của mình ở tất cả các vị trí bình thường?
- Bạn có cảm thấy cánh tay mình có thể bật ra hoặc trượt khỏi ổ khớp vai?
- Bạn có cảm giác tay trở nên thiếu sức mạnh để thực hiện các hoạt động hằng ngày?
Nếu trả lời “có” với bất kỳ câu hỏi nào trong số này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để giúp xác định mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Những chấn thương vai thường gặp
Hầu hết những vấn đề ở vai bao gồm các cơ, dây chằng và gân, chứ không phải là xương. Các vận động viên đặc biệt nhạy cảm với những vấn đề về vai. Một số người có khuynh hướng bỏ qua cơn đau và vẫn hoạt động bình thường khi có chấn thương vai. Điều này chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng chấn thương và có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.
Các tổn thương vai bao gồm:
- Mất vững: Đôi khi chỏm xương cánh tay di chuyển hoặc bị đẩy ra khỏi ổ chảo khớp vai, tình trạng này được gọi là mất vững khớp vai. Chúng có thể là kết quả của trật khớp vai một hay nhiều lần. Người bị mất vững khớp vai thường sẽ đau khi nâng cánh tay lên cao, cảm thấy vai lỏng lẻo.
- Hội chứng bắt chẹn: Do cơ chóp xoay cọ xát với bờ dưới mỏm cùng vai. Hội chứng bắt chẹn xảy ra trong các hoạt động nâng cao cánh tay. Cần phải điều trị sớm các bệnh nhân bị viêm ở vai kèm hội chứng bắt chẹn bởi tình trạng viêm cuối cùng có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng hơn như đứt gân, viêm dính khớp vai.
- Tổn thương gân cơ chóp xoay: Chóp xoay là một trong những thành phần quan trọng nhất của vai. Nó bao gồm một nhóm gân cơ nối giữa xương bả vai và xương cánh tay. Gân cơ chóp xoay giúp cho việc nâng cánh tay lên đầu. Khi gân cơ chóp xoay bị tổn thương thì đôi khi chức năng khớp vai khó phục hồi hoàn toàn để tiếp tục tham gia các hoạt động thể thao.
Tóm lại, trong điều trị chấn thương vai, chẩn đoán sớm là chìa khóa để ngăn ngừa chấn thương nghiêm trọng hơn.
Các bài tập khớp vai cơ bản
Thông thường, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ kê toa và hướng dẫn một số bài tập nhằm tăng cường cơ bắp vùng vai. Dưới đây là một số bài tập cơ bản mà bạn có thể làm để tăng sức mạnh cho cơ bắp vùng vai và tránh các chấn thương.
- Tập với dây thun: Cột dây thun có đàn hồi vào 2 bàn chân. Ngồi thẳng lưng, nhẹ nhàng kéo dây thun về phía cơ thể, giữ nguyên tư thế khoảng 5 giây, lặp lại 5 lần với mỗi cánh tay; thực hiện 2 lần/ngày.
- Chống tường: Đứng thẳng đối mặt với bức tường, chống 2 tay lên tường và 2 chân giạng rộng. Từ từ thực hiện chống đẩy, lặp lại 5 lẫn, mỗi lần giữ 5 giây; thực hiện 2 lần/ngày.
- Chống đẩy với ghế tay vịn: Ngồi thẳng vào ghế tay vịn, 2 bàn chân chạm sàn nhà. Sử dụng cánh tay từ từ nâng cơ thể lên khỏi ghế, giữ khoảng 5 giây, lặp lại 5 lần; thực hiện 2 lần/ngày.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc chống viêm để giảm đau và sưng.
Năm 2016, khoảng 7,5 triệu người đã đến bác sĩ khám để giải quyết vấn đề về vai, bao gồm các chấn thương, tổn thương dây chằng ở vai và chi trên. Hơn 4,1 triệu người có vấn đề về gân cơ chóp xoay.
ThS-BS Lê Ngọc Tuấn