14/01/2017 17:44
(NLĐO)- Lấy ý tưởng từ “Vũ hội của những người đã khuất” Macchabée được tổ chức ở nhiều nước Tây Âu từ thời trung cổ, Lễ Macchabée – Tri ân những người hiến thi hài cho khoa học được Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức vào giữa tháng Chạp hàng năm như một bài học vỡ lòng về y đức dành cho các sinh viên năm nhất.
“Vũ hội của những người đã khuất” từ thời cổ đại được tổ chức với ý nghĩa rằng những người đã mất đi, dù là vua chúa hay thường dân, thượng lưu hay người cùng đinh, cũng sẽ tham gia một cách bình đẳng và nhiệt tình. Đây là dịp để người sống thể hiện sự tưởng nhớ và chúc phúc cho người chết. Biểu tượng của vũ hội Macchabée là bộ xương người – vốn là nhạc công khi còn sống” kéo đàn violon. Macchabée đã trở thành một lễ hội thường niên tại các trường y của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới với nhiều cải biên để phù hợp hơn với phong tục tập quán và môi trường đào tạo.
Biểu tượng của lễ Macchabée - được cho là một nhạc công trong tiền kiếp
Lễ tri ân của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch bao gồm các tiết mục văn nghệ do sinh viên trường tự thực hiện, dâng hương, dâng nến. Các thầy cô, sinh viên, người tình nguyện hiến thi hài còn sống, gia đình những người đã khuất cũng lần lượt đặt những cành hoa lan tưởng niệm lên thi hài của những người vừa được đưa về Bộ môn Giải phẫu trong những năm gần đây và thắp hương tại bàn thờ chung của bộ môn.
Theo PGS-TS-BS Phạm Đăng Diệu, Phó hiệu trưởng nhà trường, Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu những người hiến thi hài cho khoa học là những “người thầy không bục giảng” không thể thay thế được trong suốt quá trình đào tạo nên những bác sĩ tương lai. Cho dù khoa học hiện đại cung cấp những máy móc và phương tiện mô phỏng ngày một tân tiến, nhưng máy móc luôn chỉ là phương tiện hỗ trợ tích cực chứ không bao giờ thay thế được những bài học trên cơ thể người với các cấu trúc tinh tế và đa dạng, nhiều khác biệt ở từng cá thể. Ngoài ra, học tập trên thi hài người hiến giúp các sinh viên y khoa thực sự cảm nhận được những thủ thuật trên cơ thể con người. Về mặt tâm lý, cảm xúc khi thực hành trên cơ thể những người thầy thầm lặng sẽ là hành trang vô cùng quý giá cho các bác sĩ tương lai.
Bức thư pháp do chính thầy hiệu phó Phạm Đăng Diệu viết được rước từ hội trường tổ chức lễ sang bàn thờ tại Bộ môn Giải phẫu.
“Khi đã được học tập, trưởng thành từ sự hy sinh vô tư, không vụ lợi của những người hiến thi hài cho khoa học, các em sẽ hiểu được rằng: mai này khi ra trường, hành nghề, cũng phải thực hành nghề nghiệp của mình vô tư và không vụ lợi như thế” – PGS Phạm Đăng Diệu dặn dò các sinh viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét