Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới có tỷ lệ mắc khá cao (25-35%). Điều đáng nói, không ít bệnh nhân đã nhầm tưởng bệnh này với loãng xương hoặc các bệnh lý khác dẫn đến điều trị sai.
Tình trạng bất toàn của hệ thống van ở tĩnh mạch chi dưới dẫn đến sự trào ngược của dòng máu hướng tâm, gây phù nề, ứ trệ trong lòng tĩnh mạch được gọi là suy tĩnh mạch chi dưới. Theo BS. Nguyễn Trung Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung Ương, ước tính, hiện có khoảng 25 - 35% dân số mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới. Bệnh suy tính mạch chi dưới có tần suất bệnh tăng dần theo tuổi; người béo phì dễ mắc hơn, yếu tố di truyền; nữ giới có tần suất mắc cao hơn nam giới; người làm công việc đòi hỏi đứng lâu hay ngồi lâu (giáo viên, nhân viên văn phòng, bác sĩ…) càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Theo BS Nguyễn Trung Anh, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể bị giãn các tĩnh mạch lưới dưới da, tạo thành hình mạng nhện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân, khiến nhiều phụ nữ rất mặc cảm. Giai đoạn nặng, máu bị ứ trệ ở chân sẽ khiến bệnh nhân có triệu chứng căng tức ở bắp chân, nặng chân, mỏi chân, đau tê vùng bắp chân, phù ở bàn chân... và có các biểu hiện của hội chứng “chân không nghỉ”, phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu. Bệnh nặng hơn, chân có biểu hiện bị thay đổi màu sắc da, xơ hóa và chàm hóa da. Nếu không được điều trị, chân sẽ bị loét, thường gặp là cổ chân. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị biến chứng như hình thành cục huyết khối trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể di chuyển lên phổi gây tắc mạch phổi, dẫn đến suy hô hấp, nặng có thể tử vong.
Đáng chú ý, bệnh suy tĩnh mạch chi khiến nhiều bệnh nhân nhầm tưởng sang bệnh loãng xương dẫn đến điều trị sai. Do đó, BS Trung Anh khuyến cáo, khi thấy triệu chứng bắp chân có nhiều tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo, đau nhức hoặc bị chuột rút ở bắp chân không rõ nguyên nhân... thì cần tới khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Tại đây, tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị hoặc can thiệp phù hợp.
Đối với bệnh nhân có những triệu chứng như trên nhưng chưa được điều trị can thiệp thì cần chú ý duy trì một chế độ sinh hoạt năng động, nên đi bộ hàng ngày, chú ý giữ mức cân nặng cơ thể hợp lý, nên bỏ thuốc lá... “Tuyệt đối không ngâm chân trong nước nóng vì sẽ làm tĩnh mạch bị giãn và suy nhiều hơn, gây đau nhức cho bệnh nhân”, BS. Trung Anh khuyến cáo.
Minh Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét