Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Chữa rối loạn giao tiếp bằng hội họa

Tin mới

30/10/2016 22:25

Mỹ thuật trị liệu nhằm phục hồi khả năng tương tác xã hội cho những bệnh nhân bị rối loạn giao tiếp sau đột quỵ hay tổn thương não nặng

Hoạt động lặng lẽ gần 3 năm nay, nhóm mỹ thuật dưới hình thức một lớp học vẽ được tổ chức miễn phí cho những bệnh nhân đột quỵ, tổn thương não do tai nạn tại Khoa Vật lý trị liệu và Y học cổ truyền Bệnh viện (BV) An Bình (TP HCM) đã mang lại một số thành công nhất định.

Nỗ lực phi thường

Nhóm mỹ thuật của BV An Bình được xây dựng theo mô hình của nhóm Art Express Group của BV War Memorial (Úc) và sự giúp đỡ từ các chuyên gia đến từ Sydney - Úc.

Bạn Trần Thị Thanh Hiếu, sinh viên năm 3 ngành sư phạm mỹ thuật Trường ĐH Sài Gòn, đang hướng dẫn cho một bệnh nhân từng là một nhiếp ảnh gia nhưng phải bỏ nghề sau một tai biến về não

Bạn Trần Thị Thanh Hiếu, sinh viên năm 3 ngành sư phạm mỹ thuật Trường ĐH Sài Gòn, đang hướng dẫn cho một bệnh nhân từng là một nhiếp ảnh gia nhưng phải bỏ nghề sau một tai biến về não

Ông L.C.Ng (60 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) từng là một bác sĩ thú y trước khi gặp cơn tai biến 8 năm về trước. Dù được cứu nhưng ông bị liệt nửa người bên phải, sức khỏe yếu nhiều, mất hoàn toàn khả năng giao tiếp bởi não bộ bị tổn thương. Trong suốt những năm đầu sau tai biến, ông phải cố gắng tập vận động, tập nói lại từ đầu. Và cho dù được đánh giá là có nỗ lực phi thường, đến nay, ông vẫn nói chuyện rất khó khăn, khả năng vận động nửa người bên phải khá hạn chế. Tuy nhiên, ông Ng. lại là học viên giỏi nhất trong lớp học vẽ. Với nỗ lực đáng nể, suốt mấy năm nay, tuần nào ông cũng lặn lội từ Vũng Tàu lên TP HCM để học vẽ. Không thể tự đi đây đó tìm đề tài, ông vẽ thông qua những tranh, ảnh mà BV cung cấp. Thế nhưng, bằng chất liệu màu nước, bằng tay trái không thuận và cả tay phải bị liệt, ông có thể tái hiện rất sống động nhiều bức ảnh về thiên nhiên, thậm chí vẽ lại gần như chuẩn xác một số tác phẩm của các họa sĩ chuyên nghiệp.

Không thể tiếp tục công việc của một nhà giáo khi chưa đến 50 tuổi, ông P.M.Đ từng rơi vào trạng thái gần như trầm cảm. Trước đó, ông bị tai biến dẫn đến liệt nửa người bên phải, mất khả năng nói, viết... do phần não bộ điều khiển chức năng ngôn ngữ bị tổn thương. Sau mấy năm được trị liệu bằng hội họa kết hợp với các hình thức điều trị khác, ông đã khéo léo dùng nửa người còn lại bên trái để tự chăm sóc bản thân. Đặc biệt, bằng tay trái, ông đã thực hiện thành thạo nhiều kỹ thuật phức tạp của hội họa và tạo nên những bức tranh thiên nhiên bằng màu nước cực kỳ sống động.

Phục hồi khả năng giao tiếp

Theo ông Lê Khánh Điền - cử nhân vật lý trị liệu, chuyên viên âm ngữ trị liệu, Phó trưởng Khoa Vật lý trị liệu và Y học cổ truyền BV An Bình - nhóm mỹ thuật trước đây được tổ chức với thời lượng 1 buổi (2 giờ)/tuần, bắt đầu từ tháng 10-2016, nay đã tăng lên 2 buổi/tuần. Mỗi thứ năm hằng tuần, học viên sẽ được học viết thư pháp, vẽ tranh thủy mặc với họa sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân; còn thứ sáu hằng tuần là lớp học vẽ tranh, được hướng dẫn bởi đội ngũ tình nguyện là các sinh viên đã tốt nghiệp hoặc đang theo học ngành sư phạm mỹ thuật của Trường ĐH Sài Gòn.

Mới đây, trong hội nghị khoa học kỹ thuật do BV này tổ chức, nhóm nghiên cứu gồm TS-BS Bùi Mạnh Côn (Giám đốc BV An Bình) và ông Lê Khánh Điền đã chứng minh rằng việc tham gia nhóm mỹ thuật tạo cơ hội tương tác xã hội khá tốt cho những người có rối loạn giao tiếp, đồng thời cải thiện rõ rệt kỹ năng giao tiếp, sự tự tin và tâm lý của người tham gia. Bệnh nhân được đánh giá qua các bảng câu hỏi kết hợp với quan sát và ghi nhận trên lâm sàng.

Nhóm mỹ thuật được tổ chức song song với các hoạt động phục hồi chức năng khác (vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu) với mục đích phục hồi toàn diện khả năng giao tiếp, đưa người bệnh tái hòa nhập cộng đồng. Theo ông Điền, thông qua hội họa, nhiều bệnh nhân bị liệt nửa người có thể luyện tập tay còn lại và làm những công việc cần sự tỉ mỉ, chi tiết, nhất là nhóm bệnh nhân không may bị liệt đúng tay thuận. Bệnh nhân cũng được khuyến khích sử dụng cả bên tay yếu liệt (nếu có thể) và nhiều người đã có tiến bộ rõ rệt. Việc cố gắng hoàn thành bức tranh cũng như tham gia một lớp học, có cơ hội giao tiếp... còn tạo sự hưng phấn cho não bộ, giúp người bệnh từng bước tìm lại các chức năng cơ thể đã mất.

Qua ghi nhận của chúng tôi, nhiều người tham gia lớp học vẽ vẫn còn khó khăn trong lời nói do tổn thương quá nặng, không có cách để phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, khác với nhiều bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ khác, họ khá tự tin khi trò chuyện, thậm chí chủ động hỏi tên, bắt chuyện với người lạ. Theo các chuyên gia, đây cũng là một trong những mục tiêu chính mà hình thức trị liệu này hướng tới.

Đưa bệnh nhân khỏi “môi trường khép kín”

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Lê Khánh Điền - Bùi Mạnh Côn, đa số người bị rối loạn giao tiếp cho biết họ có các thú vui giải trí như xem tivi, đọc báo, nghe nhạc, chơi game… Tuy nhiên, tất cả hoạt động này đều không tạo ra cơ hội giao tiếp thực sự. Ngoài ra, đối tượng giao tiếp của nhóm bệnh nhân này chủ yếu là người trong gia đình, nhiều bệnh nhân nặng thậm chí rất khó khăn trong giao tiếp với thân nhân. Nhóm mỹ thuật cung cấp cho họ một hình thức giải trí mới có sự tương tác và cơ hội giao tiếp đa dạng hơn. Có những bệnh nhân đã phản hồi với nhóm nghiên cứu rằng qua nhóm mỹ thuật, đối tượng giao tiếp của họ đã mở rộng nhiều, mang tính cộng đồng hơn.

Bài và ảnh: ANH THƯ
Source : nld[dot]com[dot]vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét