Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Bệnh Parkinson có thể gây tàn phế sau 5-7 năm

Bệnh Parkinson (ảnh minh họa)

Bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp nhất ở những người lớn tuổi, nhưng cũng có đến 10% trường hợp người bệnh khởi phát dưới 40 tuổi. Nếu người bệnh không được điều trị đúng đắn và kịp thời, thì sau 5 – 7 năm sẽ có nguy cơ bị tàn phế.

Bệnh Parkinson là một bệnh mạn tính, tiến triển, xâm phạm tới hệ ngoại tháp ở não làm mất cân bằng trong hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là chất dopamine, dẫn đến rối loạn chức năng vận động, thường gặp ở người cao tuổi (khoảng từ 60-65). Tuy nhiên, hiện nay, trong y học đã ghi nhận những trường hợp mắc bệnh Parkinson từ khi còn rất trẻ.

ThS.BS Trần Ngọc Tài, Phó khoa Thần Kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, hiện nay, bệnh nhân mắc các bệnh thần kinh nói chung đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM luôn chiếm số lượng lớn. Trong năm 2015, số lượt khám bệnh Parkinson tại Bệnh viện trong năm là 3.779, và Khoa đang quản lý 1.089 người bệnh Parkinson. Đa phần, bệnh nhân là những người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có từ 5-8% bệnh nhân mắc Parkinson dưới 40 tuổi. Đây là tình trạng chung của nhiều nước. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh Parkinson khi tuổi dưới 40 chiếm 5-10%.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính của bệnh Parkinson. Tuy nhiên, khoảng 5 – 10% người bệnh có yếu tố gen, có sự tương tác giữa gen và môi trường đặc biệt gây ra bệnh. Bên cạnh đó, các đối tượng mà tiền sử gia đình có người bị bệnh Parkinson, tiếp xúc nhiều với hóa chất hay thuốc trừ sâu sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.

Theo ThS BS. Trần Ngọc Tài bệnh Parkinson không phải là bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng ngay tức thì, nhưng nó làm trở ngại lớn cho công việc và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh có thể diễn tiến ngày càng nặng dần với các dấu hiệu thường gặp là run lúc nghỉ, chậm cử động và đơ cứng, gây khó khăn cho các hoạt động sống hằng ngày. Nếu người bệnh không được điều trị đúng đắn và kịp thời, thì sau 5 – 7 năm sẽ có nguy cơ bị tàn phế. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 6,3 triệu người mắc bệnh này. Tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê dịch tễ học, riêng số liệu tại khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM năm 2015 cho thấy có đến 1.089 người bệnh Parkisnon đang theo dõi và điều trị với tổng số trên 4.000 lượt khám/năm.

Bệnh Parkinson có thể gây tàn phế sau 5-7 năm ảnh 1
Khám cho bệnh nhân parkinson (ảnh N.P)

Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ phương pháp điều trị nào chữa lành bệnh cũng như làm chậm tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng của bệnh, từ đó giúp người bệnh Parkinson có chất lượng sống tốt hơn. Các phương pháp điều trị đã được ứng dụng thành công tại Việt Nam gần đây như các thuốc mới, phẫu thuật.

Nhằm cung cấp kiến thức về bệnh Parkinson, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thành lập và tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh Parkinson định kỳ các quý trong năm. Câu lạc bộ sẽ là nơi giao lưu, chia sẻ, cập nhật kiến thức, giải đáp thắc mắc giữa những người bệnh, người nhà người bệnh cùng các bác sĩ chuyên ngành về Thần kinh. Chương trình sinh hoạt đầu tiên sẽ diễn ra vào 8 – 11 giờ, ngày 4.12 tại hội trường 3A, lầu 3, khu A, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TPHCM).

Bệnh nhân, thân nhân có thể tham gia qua số điện thoại: 08 3952 7055 – 08 3952 5350 hoặc qua website: www.parkinson.umc.edu.vn

 

Source : laodong[dot]com[dot]vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét